Tra cứu
Nhà trường  Giới thiệu chung

Giới thiệu chung

Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được tổ chức, quản lý phù hợp với quy định của Luật giáo dục đại học và các văn bản quy định của Nhà nước. Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam luôn phấn đấu giữ vững là cơ sở đào tạo mỹ thuật hàng đầu cả nước với sứ mạng, giá trị cốt lõi, triết lý giáo dục và tầm nhìn như sau:

1. Sứ mạng

Tạo lập và phát triển môi trường đào tạo, nghiên cứu và sáng tác mỹ thuật chuyên nghiệp, phát huy tốt nhất tiềm năng sáng tạo của người học; bồi dưỡng nhân tài và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

2. Giá trị cốt lõi
                               BẢN SẮC - SÁNG TẠO - NHÂN VĂN

Với một ngôi trường dào tạo mỹ thuật, Sáng tạo là bản chất. Sự sáng tạo luôn gắn với kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc và truyền thống của nhà trường. Sáng tạo cần trái tim nhân hậu và vì con người. Đó vừa là tính chất, vừa là mục tiêu của Sáng tạo.

3. Triết lý giáo dục
Nhà trường lấy tinh thần giáo dục khai phóng làm trọng tâm để đào tạo người học trở thành người sáng tạo mỹ thuật, làm chủ bản thân, có tư duy tạo hình và thẩm mỹ cao, tự chủ trong nghề nghiệp, có khát vọng cống hiến; năng động, biết khởi nghiệp, lập nghiệp và phối hợp hài hòa lợi ích bản thân với cộng đồ ng, dân tộc.

4. Tầm nhìn
Đến năm 2030, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam giữ vững là cơ sở đào tạo mỹ thuật tiên tiến hàng đầu Việt Nam, có uy tín cao trong khu vực ASEAN và Châu Á.



Quá trình hình thành và phát triển của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam luôn gắn với nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, với những bối cảnh và nhiệm vụ lịch sử của đất nước.

Tiền thân của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam là Trường Mỹ thuật Đông Dương, thành lập theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương do Martial Merlin ký vào ngày 27 tháng 10 năm 1924. Đến tháng 11 năm 1925 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khai giảng khóa đầu tiên, đánh dấu mốc son chính thức về khởi đầu hành trình phát triển của nhà trường. Họa sỹ Victor Tardieu, Giải thưởng Đông Dương (Prix de l'Indochine) năm 1920, trở thành vị Hiệu trưởng đầu tiên của trường từ 1925 đến khi ông qua đời tại Hà Nội năm 1937.

Từ khi thành lập đến nay nhà trường đã trải qua các giai đoạn khác nhau và thay đổi tên trường như sau:
  • Giai đoạn 1925 - 1945: Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương;
  • Giai đoạn 1945 - 1950: Trường Cao đẳng Mỹ thuật (thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục);
  • Giai đoạn 1950 - 1957: Trường Mỹ thuật trung cấp (thuộc Vụ VHVN), giai đoạn này nhà trường đã đào tạo 2 khóa đặc biệt của mỹ thuật Việt Nam – Khóa Kháng chiến và Khóa Tô Ngọc Vân;
  • Giai đoạn 1957 - 1981: Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa);
  • Giai đoạn 1981 - 2008, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin);
  • Giai đoạn 2008 - nay: Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Tên tiếng Anh: Vietnam University of Fine Arts (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).


Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam có chức năng:
 
  • Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực mỹ thuật ở bậc đại học và sau đại học cho cả nước;
  • Thực hiện giảng dạy, nghiên cứu khoa học và sáng tác mỹ thuật, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển nền mỹ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn;
  • Giới thiệu và quảng bá mỹ thuật Việt Nam với bạn bè quốc tế; tổ chức các hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.
  • Phát triển đào tạo mỹ thuật theo hướng mở và hội nhập quốc tế: hợp tác, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và sáng tác nghệ thuật với các trường đại học, cơ sở đào tạo, các tổ chức nghệ thuật, các tổ chức nghiên cứu khoa học của Việt Nam và nước ngoài về mỹ thuật, nhằm phát triển nâng cao chất lượng thương hiệu đào tạo một ngôi trường có bề dày lịch sử.
  • Bên cạnh đào tạo hệ đại học chính quy với các ngành, chuyên ngành về Hội họa, Đồ họa, Điêu khắc, Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, Sư phạm mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đào tạo hệ thạc sỹ với 02 ngành: Mỹ thuật tạo hình và Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật.

Cơ cấu tổ chức của nhà trường được thực hiện theo các quy định của pháp luật về cơ sở đào tạo nằm trong hệ thống giáo dục công lập, bao gồm:
 
  • Đảng ủy
  • Hội đồng Trường
  • Ban Giám hiệu
  • Công đoàn trường
  • Đoàn Thanh niên CSHCM nhà trường
-    Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ:
    + Phòng Hành chính, Tổng hợp;
    + Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế;
    + Phòng Công tác sinh viên;
    + Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục.
-   Các khoa đào tạo:
    - Khoa Hội họa (đào tạo các chuyên ngành Tranh Sơn mài, Tranh Sơn dầu, Tranh Lụa với 5 năm học);
    - Khoa Đồ họa (đào tạo các ngành Đồ họa và Thiết kế đồ họa với 5 năm học);
    - Khoa Điêu khắc (đào tạo các ngành Điêu khắc với 5 năm học);
    - Khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật (đào tạo ngành Lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật với 4 năm học);
    - Khoa Sư phạm mỹ thuật (đào tạo ngành Sư phạm mỹ thuật với 4 năm học).
-   Các tổ chức thuộc Trường:
    - Viện Mỹ thuật;
    - Trung tâm Thông tin, Thư viện;
    - Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Mỹ thuật;
    - Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật.

Thực tế khẳng định rằng, quá trình phát triển của nhà trường luôn gắn liền với lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Từ mái trường này, nhiều họa sỹ, nhà điêu khắc đã trưởng thành, cống hiến cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, cho nền độc lập, tự do và phát triển của đất nước. Nhiều tác giả mỹ thuật được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật từng là những sinh viên, giảng viên của nhà trường. Đặc biệt, Nhà trường vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm vào các năm 1955 và 1960. Với bề dày truyền thống vẻ vang, hào hùng ấy, Nhà trường đã được Nhà nước trao nhiều tặng thưởng cao quý như:

 * Năm 1970: Huân chương Lao động hạng Ba
 * Năm 1982: Huân chương Lao động hạng Nhì
 * Năm 1985: Huân chương Độc lập hạng Ba
 * Năm 1990: Huân chương Lao động hạng Nhất
 * Năm 2001: Huân chương Độc lập hạng Nhì
 * Năm 2002: Huân chương Lao động hạng nhì
 * Năm 2005: Huân chương Độc lập hạng Nhất
 * Năm 2010: Huân chương Lao động hạng Nhất
 * Năm 2015: Huân chương Hồ Chí Minh.
 

Trong quá trình hoạt động và phát triển, Trường luôn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống nghệ thuật Việt Nam, khẳng định vai trò là trung tâm đào tạo mỹ thuật uy tín hàng đầu cả nước. Trong số các trường đại học mỹ thuật ở Hà Nội thì trường đại học mỹ thuật Việt Nam được nhiều sinh viên yêu thích nhất. Bởi vì đây là ngôi trường với lịch sử lâu đời, môi trường và chất lượng đào tạo tuyệt vời với chương trình chuẩn và đội ngũ giảng viên là những tác giả có uy tín và nhiệt tình.

Để xứng đáng với truyền thống và bề dày lịch sử gần 100 năm đầy vẻ vang và tự hào, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam luôn ra sức phấn đấu về mọi mặt để hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, xã hội tin tưởng. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế và sự chuyển đổi nhanh của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, những đòi hỏi của nền công nghiệp văn hóa, nhất là chiến lược phát triển văn hóa và con người Việt Nam hiện nay, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và nghiên cứu; Xây dựng nhà trường theo mô hình đại học tiên tiến, hiện đại, phát triển trên cả ba lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và sáng tác nghệ thuật. Tiếp tục khẳng định uy tín, vị thế trường đầu ngành về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực mỹ thuật theo hướng đa ngành, đa hệ; đến năm 2030 trở thành trung tâm đào tạo về nghệ thuật có uy tín trong khu vực và châu Á.