Chiều ngày 10 tháng 05 năm 2024 vừa qua, để chào mừng Ngày Khoa học công nghệ Việt Nam 18-5, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức buổi trò chuyện nghệ thuật với Nhà sử học và curator tới từ Singapore - Tiến sĩ Iola Lenzi. Chủ đề buổi nói chuyện tập trung vào nghệ thuật hiện đại và đương đại tại Châu Á với chủ đề "Vượt ra khỏi hiện đại: Sự xuất hiện của nghệ thuật đương đại tại Đông Nam Á, phả hệ, mục tiêu, phương pháp thẩm mỹ - khái niệm", đem lại cái nhìn tổng thể và sâu sắc về nghệ thuật ở khu vực Đông Nam Á.
Tham dự buổi trò chuyện, về phía lãnh đạo Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam có sự tham gia của TS. Đặng Thị Phong Lan - Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường, PGS. TS. Nguyễn Nghĩa Phương - Phó Hiệu trưởng trường cùng với các cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên cao học.
Vào những năm thập kỷ 70, tại Đông Nam Á, khi Chiến tranh Lạnh ngày càng trở nên căng thẳng, các ngôn ngữ nghệ thuật thị giác mới được ra đời. Tác phẩm của các nghệ sĩ trong khu vực đã mở ra các phong cách và phương pháp thẩm mỹ hoàn toàn mới, vượt ra khỏi ranh giới của hội họa truyền thống. Từ những năm 1970 đến 1990, một số nghệ sĩ ở các thành phố lớn như Jakarta, Singapore, Bangkok, Hà Nội, Manila và Kuala Lumpur đã tạo ra các tác phẩm sáng tạo và mang tính cách mạng như sắp đặt, trình diễn và tương tác. Đến năm 2000, những loại hình nghệ thuật này được gọi là nghệ thuật đương đại và lan rộng khắp Đông Nam Á. Buổi trò chuyện cùng TS. Iola Lenzi đã làm rõ về sự xuất hiện của nghệ thuật đương đại ở khu vực này thông qua việc nghiên cứu các tác phẩm từ khắp Đông Nam Á, phân biệt nó với Nghệ thuật Đương đại Toàn cầu thông qua các đặc điểm riêng biệt.
Buổi trò chuyện bao gồm hai phần, mở đầu chương trình, TS. Iola Lenzi dẫn dắt người nghe khám phá sự hình thành của nghệ thuật đương đại từ nền nghệ thuật hiện đại ở Đông Nam Á thông qua việc tìm hiểu về lý do, thời gian và cơ sở lý luận, cũng như qua các ví dụ minh họa. Phần tiếp theo của buổi trò chuyện đi sâu vào các đặc điểm cụ thể của nghệ thuật đương đại, bao gồm hình thức, chủ đề, và cách phương pháp sáng tạo được thể hiện qua các nghiên cứu trường hợp vượt qua ranh giới vùng lãnh thổ và thời gian. Đồng thời, ta cũng đặt câu hỏi về ý nghĩa của loại hình nghệ thuật này xuất phát từ địa phương và tầm quan trọng của nó trong ngữ cảnh nghệ thuật đương đại toàn cầu.
Trong nền nghệ thuật đương đại ở Đông Nam Á, các nghệ sĩ đã sáng tạo ra những ngôn ngữ hình ảnh mới từ những phương thức truyền thống, mỗi nơi, mỗi thời điểm đều có sự đóng góp khác nhau. Mặc dù thẩm mỹ vẫn được coi trọng nhưng cách tiếp cận và thể hiện đã thay đổi theo thời đại mới. Nghệ thuật đương đại không đơn giản là một phản ứng đối với nghệ thuật hiện đại. Thay vào đó, nó là cơ hội để kết nối với người xem và phản ánh lại những vấn đề xã hội hiện nay. Nó không chỉ là phương tiện, mà còn thể hiện sự tiến bộ trong tư duy và tiếp cận với các giá trị văn hóa cốt lõi của Đông Nam Á. Nghệ thuật đương đại ở Đông Nam Á thể hiện một cách tiếp cận sâu sắc với vấn đề xã hội và văn hóa, tạo ra những tác phẩm đa chiều và phức tạp, mở cửa cho nhiều cách hiểu và suy nghĩ.
Buổi trò chuyện đặc biệt cùng với TS. Iola Lenzi ở Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã đem lại cho người tham dự những cảm nhận sâu sắc và kiến thức mới mẻ, đồng thời là một bước tiến quan trọng trong việc khám phá và tôn vinh văn hóa nghệ thuật của Đông Nam Á. Sự tham gia tích cực các cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên cao học cũng là một minh chứng cho sự quan trọng và giá trị của nghệ thuật trong giáo dục và văn hóa. Buổi trò chuyện đã cho chúng ta thấy thấu hiểu hơn về các khía cạnh đa dạng và phong phú của nghệ thuật Đông Nam Á, từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.
Một số hình ảnh tại buổi trò chuyện:
—
Bài viết: Vương Nhật Linh - CLB Truyền thông Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam
Ảnh: Vũ Huy Thông - Phòng Đào tạo, QLKH & HTQT