Tra cứu
Nghiên cứu  Công tác Đảng

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG – NGƯỜI CHIẾN SĨ TRÊN MẶT TRẬN VĂN HÓA

11:17 | 29/07/2024
Trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc sáng 24/11/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định vai trò lớn của văn hóa: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn là dân tộc còn”.
 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam, cũng như lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam những năm đầu của thế kỷ XXI trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Với trí tuệ, tâm hồn dân tộc thấm đẫm tình yêu văn học, nghệ thuật đã tạo nên một Tổng bí thư có phong cách rất riêng biệt, đậm chất sĩ phu Bắc Hà gắn với phong cách văn hóa Tràng An, văn hóa Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng.

Trong thời kì giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều bài viết, bài phát biểu có tính khái quát cao, tổng kết lý luận và thực tiễn, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại các hội nghị quan trọng của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư đều dành phần lớn thời gian để trao đổi, luận giải về văn hóa và khát vọng chấn hưng, phát triển nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là mâu thuẫn đan xen giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới, giữa hội nhập với phát huy và bảo tồn những giá cốt lõi, nhân văn cao đẹp của dân tộc.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng năm 2021, Tổng bí thư dành tình cảm đặc biệt của Người cho văn hóa, văn nghệ sĩ qua những bài thơ mà Người đã xúc động đọc như Chân quê của Nguyễn Bính, Việt Bắc của Tố Hữu… 

Đánh giá, chỉ rõ vai trò quan trọng của văn hóa, Tổng bí thư lược lại lịch sử để cho thấy quan điểm xuyên suốt của Đảng về văn hóa ngay từ ngày đầu thành lập tới nay chính là văn hóa phải được đặt ngang hàng chính trị, kinh tế, xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Tổng bí thư cũng chỉ rõ: đến nay văn hóa chưa được nhận thức đầy đủ vai trò “soi đường”.

Tổng bí thư cũng chia sẻ quan niệm giản dị của mình về văn hóa với hội nghị. Theo đó, văn hóa rất gần gũi với đời sống, khi người dân được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ công bằng… ấy chính là văn hóa. 
Ngược lại, những xấu xa, bỉ ổi chính là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. 

Tại Hội nghị, nhằm giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc trong thời đại mới, đặc biệt là phù hợp với sự phát triển của Kinh tế - chính trị của đất nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ:

1. Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

2. Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo...

3. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. 
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền của đất nước.

4. Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng. 
Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa.

5. Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. 
Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa.

6. Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.
[trích Bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, 24/11/2021]
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Những năm sau Hội nghị văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư đã có nhiều bài viết, bài phát biểu có tính khái quát cao, tổng kết lý luận và thực tiễn, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư đã từng nhấn mạnh “Với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”.
Đặc biệt, trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, Tổng Bí thư đã đồng ý cho xuất bản cuốn sách: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Những bài viết, bài phát biểu, bài nói chuyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong cuốn sách có thể coi là “Kim chỉ nam” định hướng con đường vận động và phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngày hôm nay, sau khi để lại muôn vàn tình cảm cho quốc dân, đồng bào, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về bên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người để lại niềm kính yêu, thương mến cho nhân dân, dân tộc và cho toàn Đảng ta. Nhiệm vụ chấn hưng, gìn giữ, phát huy và phát triển văn hóa tương xứng với sự phát triển của kinh tế - chính trị đất nước được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm, tin tưởng vào thế hệ những người làm văn hóa nói riêng, toàn Đảng, toàn dân và dân tộc nói chung.

Trước anh linh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và những người làm văn hóa sẽ đoàn kết, nhất trí thống nhất hoàn thành tâm nguyện và mong muốn ghi dấu Văn hóa Việt Nam trên bản đồ Thế giới của NGƯỜI.
 
Bài viết: Đào Thành Cương

Các tin khác

HỘI NGHỊ CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH CỦA BAN THƯỜNG VỤ ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG HÀ NỘI VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ

HỘI NGHỊ CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH CỦA BAN THƯỜNG VỤ ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG HÀ NỘI VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ

Chiều ngày 18/10/2024, Đảng ủy Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Ban thường vụ Đảng ủy khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội về công tác cán bộ: chức danh Bí thư Đảng ủy trường Đại học Mỹ ...
Sinh hoạt chuyên đề tháng 11, chi bộ phòng Chức Năng

Sinh hoạt chuyên đề tháng 11, chi bộ phòng Chức Năng

Nhằm gắn hoạt động sinh hoạt lý luận của Đảng với tình hình thực tiễn của cơ sở, thực hiện chuyên đề công tác tháng 11/2023, Chi bộ phòng Chức năng đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề Tìm hiểu tình hình thực tiễn tại cơ sở, nâng cao nhận thức ...