Ths. Vũ Huy Thông
Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam
------------------------------
Trường Mỹ thuật Đông Dương nằm trong hệ thống giáo dục chung của chính quyền thuộc địa – một hệ thống khá chặt chẽ và khoa học theo mô hình ở Pháp. Cũng ngôi trường đó, ngay sau sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mặc dù đổi tên thành trường Cao đẳng Mỹ thuật nhưng cơ cấu quản lý cơ bản vẫn theo mô hình cũ. Qua nhiều giai đoạn sử, trường tiếp tục đổi tên và thay đổi cơ cấu quản lý, dù Bộ chủ quản là Bộ Giáo dục hay sau đó (và cho tới nay) là Bộ Văn hoá, trường đã và vẫn luôn là ngôi trường đào tạo độc lập, chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp từ các cơ quan nhà nước thuộc Bộ. Bài viết cung cấp thêm các tư liệu nghiên cứu minh chứng cho vấn đề cơ cấu quản lý trường từ năm 1925 tới nay.
Tag: #
Trường Mỹ thuật Đông Dương, trường Cao đẳng Mỹ thuật, Đại học Đông Dương, Đại học Quốc gia Việt Nam, Nha Học chính, Nha Đại học vụ, Nghị định thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, Nghị định khai giảng trường Cao đẳng Mỹ thuật.
Nhân sự kiện kỷ niệm 100 năm ban hành Nghị định thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924 – 2024) và chuỗi các hoạt động hướng tới Kỷ niệm 100 năm Hình thành và phát triển Đại học Mỹ thuật Việt Nam (1925 – 2025), trên nhiều diễn đàn như Hội thảo khoa học, Toạ đàm về Lịch sử Trường Mỹ thuật Đông Dương, Trường ĐHMT Việt Nam cũng như trên phương tiện truyền thông đại chúng, đã có những tổ chức, cá nhân, tài liệu sách báo, bài viết v.v., về cơ cấu quản lý trường qua các giai đoạn lịch sử, tựu chung có 2 vấn đề thường xuyên được đề cập:
- Cơ cấu quản lý Trường Mỹ thuật Đông Dương (EBAI), mối quan hệ giữa EBAI và Đại học Đông Dương (EBAI thuộc Đại học Đông Dương)
- Sự hình thành và cơ cấu quản lý Trường Cao đẳng Mỹ thuật giai đoạn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Cao đẳng Mỹ thuật thuộc Đại học Việt Nam /Đại học Quốc gia Việt Nam).
Bài viết dưới đây, phần thứ nhất sẽ cung cấp một số dẫn chứng nghiên cứu của một số tác giả về EBAI (1925-1945), đồng thời đề xuất cách tiếp cận /cách hiểu trên tinh thần khách quan khoa học và mong muốn tiếp cận thêm các nghiên cứu bổ sung cho giai đoạn còn một số “điểm mờ” này.
Phần thứ hai là những bằng chứng lịch sử, pháp lý rõ ràng về sự hình thành, tên gọi, cơ chế quản lý, chỉ đạo trường Cao đẳng Mỹ thuật, sự thay đổi từ Cao đẳng Mỹ thuật tới Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay.
I. Hiểu thế nào về vấn đề “Trường Mỹ thuật Đông Dương (MTĐD) thuộc Đại học Đông Dương (ĐHĐD)”?
Tiếp cận với vấn đề này cần dựa trên cơ sở tài liệu lịch sử là các văn bản pháp lý ban hành bởi chính quyền thuộc địa về sự ra đời của ĐHĐD, cơ cấu tổ chức, tên gọi các trường thành viên trực thuộc ĐHĐD; Và văn bản pháp lý về sự ra đời của Trường MTĐD.
Theo các nghiên cứu về lịch sử ĐHĐD, có 2 dấu mốc quan trọng đánh dấu sự hình thành và chuyển biến quan trọng:
1. Nghị định số 1514a ngày 16/5/1906 do Toàn quyền Đông Dương Paul Beau ký – văn bản khai sinh trường đại học đầu tiên ở Đông Dương (khai sinh ĐHĐD).
2. Nghị định ngày 21-12-1917 do Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ký ban hành bộ “Học chính tổng quy (có 7 chương gồm 558 điều)” (Règlement général de l’Instruction publique); Nghị định ngày 25-12-1918 ban hành “Quy chế chung về giáo dục bậc Cao đẳng ở Đông Dương” (Règlement général de l’Enseignement supérieur). [2]
Theo bài viết Sự ra đời của Đại học Đông Dương qua tài liệu lưu trữ đăng ngày 13/05/2016 trên trang chủ của Đại học Quốc gia Hà Nội, tác giả - TS. Đào Thị Diến (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia) đã phân tích tài liệu “Học chính tổng quy” và nêu lên các điểm chính về hệ thống đào tạo của chính quyền thời kỳ này:
… “Hệ cao đẳng: về nguyên tắc tổ chức, các trường Cao đẳng Đông Dương họp lại thành trường ĐHĐD nhưng trên thực tế, các trường Cao đẳng này chưa thành lập hết nên trong “Học chính tổng quy”, hệ cao đẳng chỉ được nêu một cách khái quát”… (đó là Trường Sĩ hoạn ở Hà Nội, Trường Hậu bổ ở Huế, Trường Y Đông Dương, Cao đẳng Thú y Đông Dương, Trường Công chính – Đào Thị Diến).
Tác giả viết tiếp:
…“Bổ sung cho Nghị định ngày 21/12/1917 ban hành bộ “Học chính tổng quy” là Quy chế chung về giáo dục bậc Cao đẳng ở Đông Dương (Règlement général de l’Enseignement supérieur) được Toàn quyền Albert Sarraut ban hành lần đầu tiên bằng Nghị định ngày 25-12-1918 và sau đó không ngừng được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Đây là một văn bản có tính chất pháp lý quan trọng đối với giáo dục bậc cao đẳng ở Đông Dương nói chung và đối với tổ chức ĐHĐD nói riêng.
Như vậy là, trên thực tế, kể từ khi ĐHĐD do Toàn quyền Paul Beau sáng lập ra theo Nghị định số 1514a ngày 16/5/1906 đã ngừng hoạt động không bởi một văn bản pháp lý nào. Cho tới khi Nghị định ngày 31/12/1917 được Toàn quyền Albert Sarraut ban hành, chính quyền thuộc địa đã không ra thêm một văn bản nào khác về ĐHĐD. Điều này hoàn toàn logic bởi vì người ta không thể ra một văn bản để thành lập một tổ chức vẫn còn đang tồn tại dù chỉ là trên giấy tờ. Hơn nữa, ĐHĐD được nhắc tới trong bộ “Học chính tổng quy” này, về thực chất, được tập hợp từ các trường thành viên của ĐHĐD do Paul Beau sáng lập ra.” [2]
Từ đó có thể thấy, việc viện dẫn “Trường MTĐD thuộc ĐHĐD” chỉ có thể dựa vào các “nguyên tắc tổ chức các trường Cao đẳng Đông Dương họp lại thành trường ĐHĐD” được “nêu một cách khái quát” trong bộ “Học chính tổng quy” như tác giả Đào Thị Diến đã viết. Do đó, vấn đề “Trường MTĐD thuộc ĐHĐD” chỉ có thể sử dụng nội dung “Học chính tổng quy” ra đời năm 1918 (sửa đổi, bổ sung liên tục sau đó) như một viện dẫn về nguyên tắc tổ chức hệ thống đào tạo hệ cao đẳng /đại học ở Đông Dương, mà như vậy, “tài liệu có 7 chương gồm 558 điều” rất cần các nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ.
Theo một nghiên cứu khác về ĐHĐD của Lê Xuân Phán1 đăng trên Tạp chí Tia Sáng có đoạn viết: “Năm 1936, Đại học Đông Dương (vì đặt tại Hà Nội nên có văn bản gọi là Đại học Hà Nội) chỉ còn ba trường thành viên là Trường Y-Dược, Trường Luật và Trường Mỹ thuật. Đại học Đông Dương đã được tổ chức lại để trở thành một Đại học thực sự.”... Tuy nhiên cũng theo Lê Xuân Phán, trong phần kết luận bài viết cùng tên Đại học Đông Dương: Khái quát một lịch sử thăng trầm (Phần 2) đã viết: “Các trường cao đẳng, đại học được tập hợp lại gọi là Đại học Đông Dương (vào năm 1906-1908 và 1917-1945), nhưng thực chất các trường hoạt động độc lập với nhau và có lịch sử phát triển riêng của nó…”. [5]
Sách Mỹ thuật Đông Dương – Sự hình thành và phát triển, Nxb Thế Giới (2024), tác giả Nguyễn Quốc Định viết về thời điểm ra đời Trường MTĐD và chi tiết “chịu sự giám sát” của “Học chính tổng quy” cũng như liên quan tới ĐHĐD như sau:
…“Cuộc đại cải cách giáo dục lần thứ II xảy ra vào cuối năm 1917 bằng việc ban hành Học chính Tổng quy (Règlement général de l’Instruction publique en Indochine) bởi Toàn quyền Albert Sarraut (nghị định ngày 21 tháng 12 năm 1917). Đây là một bộ luật giáo dục có nhiều quy định liên quan đến cơ quan quản lý giáo dục, hệ thống trường lớp, cơ cấu tổ chức các loại trường, chương trình giảng dạy, quy định về giáo viên, cách thức đánh giá, thi cử, thanh tra nhà trường. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cũng như các trường khác trên toàn cõi Đông Dương đều nằm dưới sự giám sát của bộ luật giáo dục này.” [10, Tr. 120]
Về việc sáng lập ra EBAI tác giả Nguyễn Quốc Định viết:
…“Sau sáu tháng kể từ khi Tardieu gửi bản thảo báo cáo kết quả công việc nghiên cứu thành lập một trường mỹ thuật ở Hà Nội, vào ngày 10 tháng 10 năm 1924, Blanchard de la Brosse, trên tư cách giám đốc Nha Học chính Đông Dương đã trình lên Toàn quyền Merlin một bản báo cáo ngắn gọn, một dự thảo nghị định thành lập trường mỹ thuật và một chương trình giảng dạy tổng quát… để Toàn quyền Merlin sớm thông qua nghị định thành lập trường, ông nhấn mạnh trong báo cáo của mình rằng: “Việc thiết lập ngôi trường này trong khuôn khổ Đại học Đông Dương cho phép quản lý nó với chi phí thấp và dễ dàng tuyển dụng đội ngũ giảng viên, ngoài ra nó sẽ nâng cao uy tín người Pháp trong con mắt người bản xứ.” [10, Tr. 145, 146]
Nguyên văn Nghị định (chiểu theo báo cáo về việc thành lập một trường mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội “précédé d'un rapport de présentation portan création à Hanoi d'une Ecole des Beaux-arts de l'Indochine”) có đoạn trích lời Giám đốc Nha học chính Blanchard de la Brosse: “…La création de cette école, dans le cadre l'Université indochinoise, dont vous connaissez le prestige sur les indigènes, rehaussera aux yeux de ces derniers l'importance de la nouvelle institution mise au rang des écoles supérieures de la colonie…” [H. 16] được hiểu là: “việc thành lập ngôi trường này trong khuôn khổ Đại học đông dương, như Ngài biết, sẽ nâng tầm quan trọng của các cơ sở giáo dục mới ở thuộc địa trong con mắt ghi nhận của người bản xứ.”. “dans le cadre l'Université indochinoise” – “trong khuôn khổ Đại học Đông Dương” cần phải hiểu là trong khuôn khổ một hệ thống các trường đào tạo cao đẳng và đại học, nằm dưới quyền điều hành, quản lý trực tiếp của Nha học chính. Trường EBAI do vậy, chỉ nằm dưới Nha học chính, không phụ thuộc vào Đại học Đông Dương, hiệu trưởng, các giáo viên, số lượng tuyển sinh do Toàn quyền bổ nhiệm /quyết định, hội đồng tuyển sinh do Nha học chính thành lập, đơn dự tuyển gửi đến Nha học chính [10, Tr. 475-476]. Chính vì cơ cấu quản lý đó, trong văn bằng tốt nghiệp của EBAI, luôn luôn chỉ có con dấu, chữ ký của Toàn quyền /Phó toàn quyền; Giám đốc Nha học chính và Hiệu trưởng EBAI. [10, H. 15]
Theo tài liệu (bản dịch Nghị định 27/10/1924) in trong Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1925-1990, Nxb Mỹ thuật - 1990, và Mỹ thuật Đông Dương – Sự hình thành và phát triển, Nguyễn Quốc Định, Nxb Thế Giới – 2024, Nghị định ngày 27/10/1924 do Toàn quyền Martial Merlin ký - văn bản có tính pháp lý quan trọng nhất về sự ra đời của EBAI cho thấy toàn bộ nội dung 17 điều đều không có bất kỳ quy định nào cho thấy Trường Mỹ thuật Đông Dương thuộc Đại học Đông Dương.
Nghị định thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương do Martial Merlin ký ngày 27/10/1924 đã có những điểm đáng chú ý sau:
- Chiếu theo những sắc lệnh ra ngày 20/10/1911 quy định rõ ràng quyền lực của Toàn quyền và tổ chức tài chính và hành chính Đông Dương.
- Chiếu theo sắc lệnh ngày 2/5/1920 về việc thiết lập một Nha Học chính Đông Dương.
- Chiếu theo Nghị định ngày 24/8/1910, được thay bằng những nghị định ngày 10/7/1920 và ngày 26/1/1923, thiết lập “Giải thưởng Đông Dương”.
- Chiếu theo điều 6 của Nghị định ngày 25/12/1918 được thay bằng nghị định ngày 9/1/1921 về Đại học.
- Chiếu theo Nghị định ngày 18/9/1924 về chế độ học bổng của Bộ Đại học.
Về đề nghị của Giám đốc Nha Học chính Đông Dương
Nghị định:
(nguyên văn tiếng Pháp) “Article premier. - Il est créé à Hanoi une "Ecole des Beaux Arts de l'Indochine" pour l'enseignement supérieur des arts, du dessin. C'est parmi les élèves diplômés de cette école que seront recrutés les professeurs de dessin des Etablissements d'Enseignement complémentaire etdes Ecoles professionnelles d'Arts décoratifs.”
Dịch: “Điều 1. - Thành lập ở Hà Nội một “Trường Mỹ thuật Đông Dương” đào tạo bậc cao về nghệ thuật, hội hoạ. Các sinh viên tốt nghiệp sẽ được tuyển dụng làm giáo viên dạy vẽ ở các cơ sở bổ túc và dạy nghề nghệ thuật trang trí”.
… Điều 17: … [1, Tr. 33-41]
Với các dẫn chứng nêu trên, vấn đề “Trường MTĐD thuộc ĐHĐD” rất cần được hiểu đúng, đặc biệt là căn cứ trên các cơ sở pháp lý. Việc sử dụng những từ ngữ như: Trường MTĐD thuộc /trực thuộc /thành viên /trong khuôn khổ ĐHĐD chỉ nên và chỉ có thể hiểu như một cụm từ liên quan tới quy định về nguyên tắc quản lý của Nha học chính Đông Dương đối với Trường MTĐD (theo hệ thống quản lý chung về giáo dục cao đẳng /đại học thống nhất trong hệ thống ĐHĐD).
II. Hiểu thế nào về vấn đề “Trường Cao đẳng Mỹ thuật thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam”?
Về vấn đề này, một số ý kiến tập thể, cá nhân đăng tải trên mạng xã hội và một số bài báo trên các trang điện tử dường như chủ yếu dựa trên 2 bài viết đều đăng trên website của Đại học Quốc gia Hà Nội. Một bài có tiêu đề Đại học Quốc gia Hà Nội thương hiệu đại học có giá trị lịch sử của GS. NGND Đinh Xuân Lâm (đăng ngày 08/05/2012), một bài của tác giả Phan Huy Lê mang tên Lễ khai giảng Đại học Quốc gia Việt Nam ngày 15/11/1945 (không rõ ngày đăng).
Bài của tác giả Đinh Xuân Lâm có đoạn viết:
“Trong phiên họp ngày 22/9/1945, tức là chỉ vừa tròn 20 ngày sau Lễ Tuyên ngôn độc lập, Hội đồng Chính phủ đã thảo luận về vệc “mở cửa” trường đại học. Những dòng sau đây được chúng tôi sao lục nguyên văn từ biên bản cuộc họp: “Cụ Hồ nói: nên thông cáo rằng Chính phủ sắp mở cửa lại Trường Đại học. Hội đồng quyết nghị: đến 15/11/1945, Trường Đại học sẽ mở cửa.
Theo biên bản của cuộc họp tiếp theo vào ngày 4/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng và quyết định nhiều vấn đề cụ thể và quan trọng về cơ cấu tổ chức, lĩnh vực và bậc đào tạo và về các điều kiện đảm bảo khác để Trường ĐHQG Việt Nam sớm có thể khai giảng và đi vào hoạt động. Theo đó, Trường sẽ bao gồm các ban đại học là: Y Khoa, Bào chế, Nha khoa, Mỹ thuật, Công chính, Khoa học và ban Văn chương. Hội đồng Chính phủ cũng quyết định: “Trường Đại học sẽ có một quỹ tự trị có Chính phủ, đoàn thể và tư nhân giúp đỡ”. Tại phiên họp này Hội đồng Chính phủ cũng tán thành đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe cho phép mời giáo sư ngoại quốc tham gia giảng dạy tại Trường, tuy nhiên trong năm 1945 thì chưa nên mời giáo sư là người Pháp.
Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 43/SL thiết lập Quỹ tự trị cho Trường Đại học và Sắc lệnh số 45/SL thành lập Ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội. Bộ trưởng Vũ Đình Hòe cũng ký ban hành các nghị định về việc khai giảng Trường vào ngày 15/11/1945 và ban hành cụ thể nội dung, khung chương trình đào tạo của các ngành đào tạo, công bố công khai trên Việt Nam Dân quốc Công báo tại các số 4 (ngày 20/10/1945) và số 9 (ngày 17/11/1945). Theo đó, bên cạnh các giáo sư, các nhà khoa học nổi tiếng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Văn Đồng được “phân công” giảng dạy khoa Hiến pháp, đồng chí Võ Nguyên Giáp dạy Khoa Kinh tế.” [3]
Bài của tác giả Phan Huy Lê về Lễ khai giảng Đại học Quốc gia Việt Nam cụ thể hơn với những đoạn:
“Báo Nhân dân số ra ngày 31/12/2001 công bố bài diễn văn của GS. Nguyễn Văn Huyên trong lễ khai giảng trường Đại học Quốc gia Việt Nam ngày 15-11-1945. Văn bản do GS. Trần Quốc Vượng trao cho GS. Đào Trọng Thi và GS. Thi đã chuyển cho báo Nhân dân.
Đây là bản thảo viết tay bằng bút chì, lưu giữ trong hồ sơ lưu trữ của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) ở Paris, cặp 14 mang tên “Hồ sơ Nguyễn Văn Huyên” và do cô Nguyễn Phương Ngọc là nghiên cứu sinh tại Aix-en-Provence phát hiện, sưu tầm gửi về nước biếu gia đình cố GS. Nguyễn Văn Huyên…
Trước hết, ông Giám đốc Đại học học vụ phát biểu. Đó là GS. Nguyễn Văn Huyên giữ chức Giám đốc Đại học vụ của Bộ Giáo dục và sau đó, được bổ nhiệm làm Giám đốc trường Đại học Việt Nam kiêm Giám đốc Đông phương bác cổ học viện. Bài phát biểu của GS. Nguyễn Văn Huyên chính là bài diễn văn mà bản thảo đã được sưu tầm, công bố trên báo Nhân dân năm 2001.
… Về mặt tổ chức và kinh phí, trường Đại học có “một Hội đồng quản trị gồm các giáo sư có kinh nghiệm và những bậc có quan tâm tới đại học” làm nhiệm vụ “tìm một phương sách thích hợp để mở mang nền đại học và để quản trị một ngân sách tự trị giống như các quỹ tự trị ở các trường đại học các nước tân tiến Âu - Mỹ” do chính phủ trợ cấp hàng năm và sự đóng góp của các bậc hảo tâm. Trước mắt, trường đại học mở 5 ban là: y khoa, khoa học, văn khoa, chính trị xã hội và mỹ thuật. Ban y khoa, khoa học và mỹ thuật “hiện thời vẫn theo qui tắc cũ” và sẽ lập “một hội đồng để tìm phương sách cải tổ lại cho hợp với những tiến bộ của nhân loại”.
… Xin lưu ý, tên trường đại học theo bài tường thuật của báo Cứu quốc là “Trường Đại học Việt Nam” hay “Việt Nam Đại học Hà Nội”, nhưng theo bài diễn văn của cố GS. Nguyễn Văn Huyên là “Trường Đại học Quốc gia Việt Nam” [9].
Các ý kiến hiện nay cho rằng “Trường Cao đẳng Mỹ thuật thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam” có lẽ đều căn cứ theo 2 bài viết trên, cả 2 bài đều có những đoạn đề cập tới “Trường Đại học Quốc gia Việt Nam có các ban Y khoa, Khoa học, Văn khoa, Chính trị xã hội… trong đó có cả ban Mỹ thuật”. Bài của tác giả Đinh Xuân Lâm “sao lục nguyên văn” “Biên bản phiên họp ngày 22/9/1945”; “Biên bản phiên họp ngày 4/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ”; bài của tác giả Phan Huy Lê căn cứ trên “bản sao chụp bài diễn văn khai giảng Đại học ngày 15-11-1945 của cố GS. Nguyễn Văn Huyên” (bản gốc là “bản thảo viết tay bằng bút chì, lưu giữ trong hồ sơ lưu trữ của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) ở Paris”).
Như vậy, các dữ liệu trên chỉ là các biên bản cuộc họp và bản thảo bài diễn văn khai giảng của một đại học.
Ngoài ra, một số văn bản lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam có tồn tại những danh từ khác nhau về tên gọi của Đại học Việt Nam, trường Cao đẳng Mỹ thuật, nhân sự quản trị, giảng dạy, thông tin tuyển sinh của trường Cao đẳng Mỹ thuật. Chính vì sự xuất hiện các tên gọi khác nhau về hai ngôi trường đã dẫn đến những cách hiểu, lý giải khác nhau về quan hệ cơ cấu tổ chức, quản trị, trong đó cách hiểu Trường Cao đẳng Mỹ thuật thuộc trường Đại học Việt Nam có ở một số văn bản như biên bản cuộc họp, diễn văn khai giảng từ những năm đầu nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và tới hôm nay được một số tổ chức, cá nhân vận dụng trích dẫn.
Theo nhiều tài liệu lưu trữ về thời kỳ đầu thành lập trường Đại học Việt Nam, rất nhiều văn bản chỉ gọi ngôi trường đó là “Đại học” (cả viết hoa, viết thường), kể cả 2 bài viết của tác giả Đinh Xuân Lâm và Phan Huy Lê, theo chúng tôi có thể lý giải quyết định mở trường đại học (cơ bản dựa trên cơ sở vật chất, mô hình của Đại học Đông Dương) của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hiển nhiên sẽ không dùng (lại) tên quá khứ thuộc địa, do đó, có thể tạm dùng tên “Đại học” sau đó là “Đại học Việt Nam” để nhấn mạnh ngôi trường thuộc thời đại độc lập tự chủ của nước Việt Nam. Như bài viết của tác giả Phan Huy Lê thì báo Cứu quốc có viết “Việt Nam Đại học Hà Nội” và GS. Nguyễn Văn Huyên đã viết “Trường Đại học Quốc gia Việt Nam” trong bản thảo diễn văn khai giảng. Tuy nhiên, tên gọi Đại học Việt Nam xuất hiện chính thức trong Sắc lệnh ngày 10 tháng 10 năm 1945 “thiết lập một quỹ tự trị cho trường Đại học Việt Nam” (H. 10).
Về tên gọi trường mỹ thuật, có những văn bản gọi là “ban Mỹ thuật” (bản thảo diễn văn khai giảng của GS. Nguyễn Văn Huyên), “ban Mỹ thuật trường đại học” (văn bản bổ nhiệm nhân sự Hội đồng quản trị Đại học căn cứ theo Nghị định của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục ngày 31 tháng 12 năm 1945, trong đó hoạ sĩ Trần Văn Cẩn là thành viên và được ghi là “giáo sư ban Mỹ thuật trường Đại học”. Xem H. 7). Đặc biệt báo Cứu Quốc tháng 10 năm 1946 có đăng một đoạn tin về thời gian tuyển sinh và khai giảng năm học mới (1946) của “Ban Mỹ thuật đại học thuộc trường Đại học Việt Nam” (H. 13, 14). Tuy nhiên, những văn bản quan trọng sau đã viết tên “trường Cao đẳng Mỹ thuật”, cụ thể ở:
- Nghị định ngày 8 tháng 10 năm 1945 (về khai giảng các trường đại học, cao đẳng) (H. 9)
- Theo Nghị định ngày 30 tháng 11 năm 1945 bổ nhiệm nhân sự giảng dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật năm học 1945-1946 (H. 6); và thông tin bổ nhiệm hoạ sĩ Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật (H. 5).
Như vậy có thể thấy cách gọi /cách viết “giáo sư ban Mỹ thuật trường Đại học” của văn bản bổ nhiệm Hội đồng quản trị đại học chiếu theo Nghị định ngày 31 tháng 12 năm 1945, và văn bản thông báo ngày khai giảng Ban Kiến trúc “đặt dưới quyền trực tiếp của ông Giám đốc ban Mỹ thuật trường Đại học” (H. 8) theo Nghị định ngày 20 tháng 2 năm 1946 cùng của Bộ Quốc gia Giáo dục, là nguyên nhân dẫn đến cách hiểu trường Mỹ thuật (ban Mỹ thuật đại học) có thể thuộc Đại học Việt Nam và vì vậy báo Cứu Quốc đã đăng tin “ban Mỹ thuật đại học thuộc trường Đại học Việt Nam” - một cách diễn giải sai (hoàn toàn không có cơ sở pháp lý) về cơ chế quản lý và tên gọi chính thức của trường. Trường Cao đẳng Mỹ thuật hoạt động độc lập dưới quyền chỉ đạo và quản lý của Nha Đại học vụ, căn cứ trên các Nghị định ngày 8 tháng 10 năm 1945 và Nghị định ngày 19 tháng 10 năm 1946 (Nghị định chiểu theo Sắc lệnh số 146 ngày 10 tháng 8 năm 1946 của Chính phủ).
Trên cơ sở các tư liệu lưu trữ có thể hiểu, trường Đại học Việt Nam (Đại học Quốc gia Việt Nam) gồm một hệ thống các trường độc lập đào tạo hệ đại học về Y khoa, Dược khoa, Nha khoa; hệ cao đẳng gồm các trường Cao đẳng Khoa học, Cao đẳng Mỹ thuật, Cao đẳng chuyên môn Công chính, Cao đẳng chuyên môn Canh nông và Cao đẳng chuyên môn Thú y và sau bổ sung thêm Đại học Văn khoa (Nghị định ngày 8 tháng 10 năm 1945 của Bộ Quốc gia Giáo dục về việc khai giảng các trường và Sắc lệnh ban hành ngày 10 tháng 10 năm 1945 về việc “thiết lập một ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội”). Toàn bộ hệ thống các trường nêu trên đều nằm dưới sự chỉ đạo và quản lý của Nha Đại học vụ (tương đương Vụ Giáo dục Đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay).
Chiểu theo Sắc lệnh số 146 ngày 10 tháng 8 năm 1946 đặt những nguyên tắc căn bản của nền giáo dục mới, Bộ Quốc gia Giáo dục đã ra Nghị định (đăng tải trên Việt Nam Dân Quốc Công Báo ngày 19 tháng 10 năm 1946) nêu rõ:
Điểu thứ nhất – Về phương diện hành chính:
- các ban Đại học,
- các trường Cao đẳng chuyên môn đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp của ông Tổng Giám đốc Đại học vụ
- thư viện Đại học,
- Việt Nam học xá,
tổ chức như sau đây:
1. – Các ban Đại học và các trường Cao đẳng chuyên môn
Điều thứ 2. – Mỗi ban Đại học hay trường Cao đẳng chuyên môn đặt dưới quyền điều khiển và kiểm soát trực tiếp của một ông Giám đốc gồm có một văn phòng và một thư viện riêng.
Tuỳ theo nhu cầu của mỗi ban Đại học hay trường Cao đẳng chuyên môn, có thể cử một viên tổng thư ký để giúp việc ông Giám đốc và thiết lập những phòng Thí nghiệm hay phòng Bệnh lý, dùng trong việc giảng dạy các chuyên khoa.
Điều thứ 3. – Văn phòng mỗi ban Đại học hay trường Cao đẳng chuyên môn, do một viên chủ sự quản nhiệm, chia làm ba ban, nhiệm vụ ấn định như sau đây:
1) Ban Học chế và Khảo thí…
2) Ban Viên chức…
3) Ban Kế toán…
Điều thứ 4. – Thư viện riêng của mỗi ban Đại học hay trường Cao đẳng chuyên môn do một viên thủ thư quản nhiệm
Điều thứ 5. – Phòng Thí nghiệm hay Bệnh lý về chuyên khoa nào thì do giáo sư dạy chuyên khoa ấy đảm nhiệm. (xem H 1-4)
III. Từ các tư liệu, dẫn chứng, phân tích nêu trên có thể khẳng định:
- Tên gọi chính thức trường Cao đẳng Mỹ thuật hình thành trên cơ sở Nghị định của Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành ngày 8 tháng 10 năm 1945.
- Trường Cao đẳng Mỹ thuật không “thuộc” Đại học Việt Nam, chỉ có thể trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng nằm dưới sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Nha Đại học vụ.
- Trường Cao đẳng Mỹ thuật có bổ nhiệm giám đốc /hiệu trưởng, các giáo sư tham gia giảng dạy, quy định giờ dạy và chế độ phụ cấp bởi các Nghị định của Bộ Quốc gia Giáo dục.
- Trường Cao đẳng Mỹ thuật có tuyển sinh năm 1945 và 1946 nhưng mới tổ chức học được trên một tháng2 đã ngừng vì toàn quốc kháng chiến, mãi tới năm 1950 mới có thể mở lại với tên gọi trường Mỹ thuật trung cấp.
- Các vị lãnh đạo, giáo sư giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật là những họa sỹ, kiến trúc sư tốt nghiệp và từng làm việc tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như: Tô Ngọc Văn, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp. Họ cũng là những người thầy tiếp tục công việc của trường Mỹ thuật trung cấp, trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam mà sau này được đổi tên thành Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam hôm nay.
Mặc dù hiện nay có thêm nhiều tư liệu lịch sử đáng tin cậy và cơ hội tiếp cận các nguồn lưu trữ quan trọng tại Pháp cũng như tại Việt Nam, nhưng lịch sử Trường Mỹ thuật Đông Dương vẫn cần được nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh những điểm còn chưa rõ ràng, đặc biệt là đặt nghiên cứu về trường trong bối cảnh giáo dục chung của chính quyền thuộc địa từ đầu thế kỷ 20.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời trong muôn vàn khó khăn thử thách, mặc dù vậy đã khai sinh những dấu son lịch sử về nền giáo dục mới, đặc biệt là giáo dục đại học. Bất kỳ ngôi trường nào ra đời thời điểm đó đều có quyền tự hào về lịch sử của riêng mình trong lịch sử giáo dục chung của đất nước. Tuy nhiên, để niềm tự hào đó trọn vẹn xứng đáng, cần phải hiểu đúng lịch sử - lịch sử của nhân chứng khách quan, của tài liệu chân giá trị pháp lý.
Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay, với tiền thân là Trường MTĐD, ngay sau đó là Cao đẳng Mỹ thuật (1945 Nha Đại học vụ, Bộ Quốc gia Giáo dục chỉ đạo, quản lý); gián đoạn từ 1945 – 1950 vì chiến tranh; đến Mỹ thuật Trung cấp (1950 trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục); Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957 trực thuộc Bộ Văn hoá); Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1981 trực thuộc Bộ Văn hoá); Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2008 – nay trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), dù trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, thay đổi tên gọi và cơ quan chủ quản nhưng đều là quyết định của cấp Nhà nước và Chính phủ (đại diện là các Bộ) thể hiện qua các văn bản pháp lý cao nhất, không thể tranh cãi. Quyết định thành lập trường chỉ có 01 (một) văn bản do đại diện cao nhất của chính quyền Pháp thuộc - Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin ký ngày 27 - 10 - 1924, tiếp theo là những văn bản nghị định, quyết định khai giảng, đổi tên trường do đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ký, ban hành.
VHT
Chú thích:
1. Lê Xuân Phán bảo vệ Luận án Tiến sĩ chủ đề “Giáo dục Việt Nam thời thuộc địa, 1862-1945: Đào tạo trí thức Việt Nam” năm 2018 tại L'Institut d'études politiques de Lyon (IEP de Lyon) còn được gọi là Sciences Po Lyon.
2. Phỏng vấn PGS. Hoạ sĩ, Nhà giáo (nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) Nguyễn Trọng Cát người đã tham gia thi tuyển và theo học trên một tháng vào năm 1946.
Tài liệu tham khảo:
1. Sách Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1925-1990, Nxb Mỹ thuật 1990, trong đó bao gồm:
Toàn văn Nghị định của Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin ký ngày 27/10/1924 V/v thành lập EBAI (nguyên văn tiếng Pháp và bản dịch)
Bản sao nghị định của Bộ trưởng Bộ quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hoè ký ngày 8/10/1945
Nghị định 605-ND Bộ quốc gia Giáo dục ban hành ngày 28/12/1950 do Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên ký
Nghị định số 16 VII/NĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Hoàng Minh Giám ký ngày 3/3/1957
Nghị định số 379-Ttg ngày 20-8-1957 mở trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam trực thuộc Bộ Văn hoá. Nghị định được Phó Thủ tướng Phan Kế Toại ký ngày 20/8/1957
Quyết định số 175/CT ngày 29/9/1981 Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng V/v đổi tên 2 trường Đại học Mỹ thuật thuộc Bộ Văn hoá do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng ký.
2. Sự ra đời của Đại học Đông Dương qua tài liệu lưu trữ
Sự ra đời của Đại học Đông Dương qua tài liệu lưu trữ | ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
3. Đại học Quốc gia Hà Nội thương hiệu đại học có giá trị lịch sử
Đại học Quốc gia Hà Nội thương hiệu đại học có giá trị lịch sử | ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
4. Đại học Đông Dương: Khái quát một lịch sử thăng trầm (phần 1)
https://tiasang.com.vn/giao-duc/dai-hoc-dong-duong-khai-quat-mot-lich-su-thang-tram-phan-1-28330/
5. Đại học Đông Dương: Khái quát một lịch sử thăng trầm (phần 2)
https://tiasang.com.vn/giao-duc/dai-hoc-dong-duong-khai-quat-mot-lich-su-thang-tram-phan-2-28408/
6. Trường Mỹ thuật Đông Dương - khởi nguồn của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại
https://www.archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/truong-my-thuat-dong-duong-khoi-nguon-cua-nen-my-thuat-viet-nam.htm#:~:text=Ng%C3%A0y%2022%2F10%2F1942%2C,ng%C3%A0nh%20th%E1%BB%A7%20c%C3%B4ng%20m%E1%BB%B9%20ngh%E1%BB%87.
7. Thi cử và giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc (P2), đăng 23/06/2018
https://nghiencuuquocte.org/2018/06/23/thi-cu-va-giao-duc-viet-nam-thoi-phap-thuoc-p2/
8. Université Paris VII-Denis DIDEROT Formation doctorale “Dynamique comparée des Sociétés en développement” U.F.R. G.H.S.S 2, place Jussieu 75251 PARIS Cedex 05
UN ENSEIGNEMENT COLONIAL: L’EXPÉRIENCE FRANÇAISE EN INDOCHINE (1860-1945)
https://www.aefek.fr/wa_files/Th%C3%A8se%20de%20Pascale%20Bezan%C3%A7on.pdf
https://vnu.edu.vn/ttsk/?C2139/N12830/dai-hoc-Quoc-gia-Ha-Noi-thuong-hieu-dai-hoc-co-gia-tri-lich-su.htm
9. Lễ khai giảng Đại học Quốc gia Việt Nam ngày 15/11/1945
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI - TRANG CHỦ
10. Nguyễn Quốc Định (2024), Mỹ thuật Đông Dương – Sự hình thành và phát triển, Nxb Thế Giới
11. Tư liệu Thư viện Quốc gia Việt Nam
http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=JwvzO19451229.2.2&e=------194-vi-20-JwvzO-1--img-txIN-%c4%90%e1%ba%a1i%252Dh%e1%bb%8dc+Vi%e1%bb%87t%252DNam----1945-#
H.1. Quản lý hành chính về ban đại học và cao đẳng chuyên môn_do Tổng giám đóc Đại học vụ phụ trách
![](/uploaded/100 NAM/Thong/2-%20Chu%CC%9B%CC%81c%20danh%20qua%CC%89n%20ly%CC%81%20ban%20%C4%90a%CC%A3i%20ho%CC%A3c%20va%CC%80%20tru%CC%9Bo%CC%9B%CC%80ng%20Cao%20%C4%91a%CC%86%CC%89ng%20chuye%CC%82n%20mo%CC%82n_Gia%CC%81m%20%C4%91o%CC%82%CC%81c.jpg)
H.2. Chức danh quản lý ban Đại học và trường Cao đẳng chuyên môn_Giám đốc
![](/uploaded/100 NAM/Thong/3-%20Pha%CC%82n%20%C4%91i%CC%A3nh%20ro%CC%83%20giu%CC%9B%CC%83a%20ban%20%C4%90a%CC%A3i%20ho%CC%A3c%20va%CC%80%20tru%CC%9Bo%CC%9B%CC%80ng%20Cao%20%C4%91a%CC%86%CC%89ng%20chuye%CC%82n%20mo%CC%82n_the%CC%82m.jpg)
H.3. Phân định rõ giữa ban Đại học và trường Cao đẳng chuyên môn_thêm
![](/uploaded/100 NAM/Thong/4-%20Pha%CC%82n%20bie%CC%A3%CC%82t%20ro%CC%83%20ban%20%C4%90a%CC%A3i%20ho%CC%A3c%20va%CC%80%20Cao%20%C4%91a%CC%86%CC%89ng%20chuye%CC%82n%20mo%CC%82n.jpg)
H.4. Phân biệt rõ ban Đại học và Cao đẳng chuyên môn
![](/uploaded/100 NAM/Thong/5-%20Bo%CC%82%CC%89%20nhie%CC%A3%CC%82m%20TNV%20hie%CC%A3%CC%82u%20tru%CC%9Bo%CC%9B%CC%89ng%20Cao%20%C4%91a%CC%86%CC%89ng%20My%CC%83%20thua%CC%A3%CC%82t.jpg)
H.5. Bổ nhiệm TNV hiệu trưởng Cao đẳng Mỹ thuật
![](/uploaded/100 NAM/Thong/6-%20danh%20sa%CC%81ch%20giao%20su%20Cao%20dang%20MT_45_46.jpg)
H.6. danh sách giao su Cao dang MT_45_46
![](/uploaded/100 NAM/Thong/7-%20Ho%CC%A3%CC%82i%20%C4%91o%CC%82%CC%80ng%20qua%CC%89n%20tri%CC%A3%20%C4%91a%CC%A3i%20ho%CC%A3c_Tra%CC%82%CC%80n%20Va%CC%86n%20Ca%CC%82%CC%89n_1945.jpg)
H.7. Hội đồng quản trị đại học_Trần Văn Cẩn_1945
![](/uploaded/100 NAM/Thong/8-%20Khai%20gia%CC%89ng%20khoa%CC%81%20Kie%CC%82%CC%81n%20tru%CC%81c.jpg)
H.8. Khai giảng khoá Kiến trúc
![](/uploaded/100 NAM/Thong/9-%20Nghi%CC%A3%20%C4%91i%CC%A3nh%20khai%20gia%CC%89ng%20nga%CC%80y%2015_11_1945.jpg)
H.9. Nghị định khai giảng ngày 15_11_1945
![](/uploaded/100 NAM/Thong/10-%20Nghi%CC%A3%20%C4%91i%CC%A3nh%20nga%CC%80y%20khai%20gia%CC%89ng%20ca%CC%81c%20tru%CC%9Bo%CC%9B%CC%80ng%20%C4%91a%CC%A3i%20ho%CC%A3c%20va%CC%80%20cao%20%C4%91a%CC%86%CC%89ng.jpg)
H.10. Nghị định ngày khai giảng các trường đại học và cao đẳng
![](/uploaded/100 NAM/Thong/11-%20Nha%20To%CC%82%CC%89ng%20gia%CC%81m%20%C4%91o%CC%82%CC%81c%20%C4%91a%CC%A3i%20ho%CC%A3c%20vu%CC%A3.jpg)
H.11. Nha Tổng giám đốc đại học vụ
![](/uploaded/100 NAM/Thong/13-%20Tin%20qua%CC%89ng%20ca%CC%81o%20tre%CC%82n%20Cu%CC%9B%CC%81u%20Quo%CC%82%CC%81c1.jpg)
H.13. Tin quảng cáo trên Cứu Quốc1
![](/uploaded/100 NAM/Thong/14-%20Toa%CC%80n%20trang%20Cu%CC%9B%CC%81u%20Quo%CC%82%CC%81c.jpg)
H.14. Toàn trang Cứu Quốc